Kinh tế xã hội Tân Thạnh

Tân Thạnh là huyện nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cây trồng chủ lực là cây lúatràm. Tuy nhiên, đất đai của huyện có chất lượng thấp (đất phèn nhiều độc tố) lại phân bố trên các địa hình thấp trũng, bi chia cắt mạnh bởi kênh rạch; nên quá trình sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn như: đầu tư cải tạo đất tốn kém, năng suất cây trồng thấp, giá thành cao, sản phẩm có sức cạnh tranh kém trên thị trường. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệpThương mại - Dịch vụ chưa phát triển, chưa hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển

Cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là giao thông đường bộ, công trình kiểm soát lũ và cơ sở vật chất phục vụ dân sinh (trường học, y tế, chợ,...) còn thiếu nghiêm trọng, thiếu thông tin thị trường.....là những trở ngại lớn trong quá trình phát triển kinh tế của huyện.

Tân Thạnh nằm ở vùng sâu của Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Sự hình thành và phát triển kinh tế - xã hội của Tân Thạnh gắn liền với quá trình khai thác đất hoang hóa, di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười. Trong phân vùng địa lý kinh tế của tỉnh Long An, Tân Thạnh thuộc tiểu vùng 3 (gồm Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh). Phương hướng phát triển kinh tế chủ yếu là Nông - lâm nghiệp, mà hàng đầu là sản xuất lúa hàng hóa.

Thuận lợi

Xét về vị trí địa lý và quá trình khai thác tài nguyên phát triển kinh tế xã hội cho thấy lợi thế cơ bản của Tân Thạnh là:

  • Tân Thạnh một huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười, được hưởng lợi nguồn nước ngọt từ sông Tiền qua trục chính là kênh Dương Văn Dương phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
  • Thông qua chương trình khai thác vùng Đồng Tháp Mười của Chính phủ nên cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao đáng kể.
  • Tân Thạnh có quốc lộ 62 chạy qua, trong tương lai gần QLN2 sẽ được đầu tư xây dựng, là các trục giao thông vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, mặt khác hệ thống giao thông thủy rất thuận lợi cho việc vận chuyển và giao lưu hàng hóa với thành phố Tân An và TP Hồ Chí Minh.

Khó khăn

Ngoài những lợi thế cơ bản nêu trên, Tân Thạnh còn có một số hạn chế:

  • Bị ảnh hưởng của lũ lụt thường niên, dễ gây rủi ro cho sản xuất, hư hỏng cơ sở hạ tầng hạn chế tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
  • Đất đai của Tân Thạnh chủ yếu là đất phèn ở địa hình trũng có nồng độ các độc tố cao (SO42-, Al3+, Fe3+) dễ gây ảnh hưởng xấu cho cây trồng trong điều kiện chưa hoàn chỉnh thủy lợi, đồng thời ít có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm để phá thế độc canh cây lúa.
  • Cơ sở hạ tầng nông thôn như: Giao thông đường bộ, nước sinh hoạt, trạm y tế, điện, trường học, các công trình phúc lợi công cộng chưa phát triển, xa thị trường tiêu thụ nên hạn chế lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

Để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cần thấy hết các lợi thế để khai thác, đồng thời khắc phục và giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố hạn chế, tạo động lực phát triển nền kinh tế một cách ổn định và bền vững.